
Nói về Hà Nội, những người yêu sách thường nghĩ ngay đến Thạch Lam, Vũ Bằng, với những Thương Nhớ Mười Hai hay Hà Nội băm sáu phố phường. Những vị ấy dường như đã trở thành biểu tượng, thành chuẩn mực cho văn chương viết về vùng đất thủ đô. Đôi khi, chúng ta quên mất những cây bút trẻ, nhiệt thành trong dòng văn học hiện đại, đó là những con người cũng rất nặng lòng với Hà Nội vô cùng yêu dấu. Tôi đang muốn nhắc tới họa sĩ, nhà văn Nguyễn Trương Quý với tác phẩm Hà Nội Bảo Thế Là Thường.
Contents
Tác giả sách Hà Nội Bảo Thế Là Thường
Hà Nội Bảo Thế Là Thường là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trương Quý. Nguyễn Trương Quý sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, anh tốt nghiệp cử nhân kiến trúc và thạc sĩ Quản lý Truyền thông rồi sau đó trở thành một nhà văn và hiện giờ đang là một họa sĩ tự do.
Tác giả này từng viết bài cho các báo và Nhà xuất bản Trẻ. Anh đã được đề cử giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội. Nguyễn Trương Quý từ lâu đã xác lập mình là nhà văn của Hà Nội, người say mê ghi lại những trầm tích quá vãng cả trong đời sống vật chất lẫn thế giới tinh thần”

Nội dung sách Hà Nội Bảo Thế Là Thường
Hà Nội Bảo Thế Là Thường là cuốn tản văn ghi chép lại những nét riêng biệt của cảnh vật, phong tục tập quán, thói ăn nếp ở của người dân Hà Nội. Sách gồm 4 phần: Ngõ sâu quán nhỏ; Quần manh áo mỏng; Nhất tâm nhị tình; Nhựa đường và gạch ngói.
Phần 1: Ngõ sâu quán nhỏ
Bụi hồng quán nước
Mẻ chua không phiên dịch
Cơm không hai món
Ba chỉ ba phải
Obama can eat
Ăn cả vỏ
Thịt đông xao xác
Phần đầu của cuốn Hà Nội Bảo Thế Là Thường đi vào thói quen ăn uống, những nét riêng biệt trong cung cách ẩm thực của người Hà Nội. Bắt đầu với quán nước chè, bia hơi vỉa hè, tác giả đi sâu hơn vào văn hóa ăn uống của người dân thủ đô, như cách sắp xếp mâm cơm, câu chuyện về miếng thịt ba chỉ hay bắt buộc phải có mẻ chua trong món thịt giả cầy. Nhắc đến mâm cỗ ngày Tết thì chẳng thể thiếu thịt đông, món ăn tuy đơn giản nhưng đã thành đặc trưng của mâm cơm đầu năm.
“Nhờ trời trở rét ầm Tết Hà Nội mới ra Tết. Cũng nhờ trời lạnh mà món thịt đông mới thành. Các món ăn truyền thống miền Bắc gần như có thể vận chuyển trong ngày để đám dân Hà Nội tha hương miền Nam có thể bày biện cạnh tranh với “những người ở lại”. Trừ món thịt đông… Nó không phải là món ồn ào canh bóng thả nấm hay hạnh nhân xào rau củ mà các thiếu nữ Hà thành hoa lệ p
hải học lấy lề, cũng không phải là món ăn chơi bời kiểu cách mà là món mặn để ăn cơm. Nó cứ thế tiến vào mâm, chiếm vị trí ổn định với màu sắc không có gì nổi bật, “Im thin thít như thịt nấu đông”. Tóm lại, có nó thì ăn cơm ngày Tết dễ nuốt lắm”.
Phần 2: Quần manh áo mỏng
Áo phông không phải áo ni lông
Quần lá cháy ly
Cẩm lê măng giê phô tô
Áo xưa còn nhàu
Áo chàng xanh lam lũ
Ra đường mũ áo xênh xang
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya
Dìu dắt dặt dìu
Ngồi xõa tóc thề
Va li mộng viễn hành
Hình dung một chiếc thắt lưng
Mùi hương hóa thạch
Phần 2 đi vào cách ăn mặc, thói phục sức của người Hà Nội truyền thống tới hiện đại. Từ mái tóc, mùi hương cho tới cái quần cái áo đều được tác giả phân tích chi tiết. Như áo phông từ đâu mà ra, màu áo xanh biểu tượng cho điều gì, chiếc va li hay đôi giày gõ nhịp sẽ đưa chúng ta về Hà Nội của hàng chục năm về trước, sống trong không khí thủ đô những năm bao cấp, chiến tranh.
Ở chốn sau cùng, không nói ra thì ai cũng đồng tình học sinh nam phải cắt tóc ngắn. Tóc dài còn bị xem như đạo đức không tốt (“con nhà không có giáo dục”!), thậm chí bị xếp loại hạnh kiểm kém. Nhưng tôi không biết liệu điều này có khiến các thầy cô giảng bài văn – sử khó xử khi dạy đến phần chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu của Quang Trung không, khi mà hai thế kỷ trước người Việt đánh đuổi quân Thanh để giữ cái quyền “để dài tóc” trước tiên đó sao?

Phần 3: Nhất tâm nhị tình
Bàn tay ra phố
Nhất tâm nhị tình
Đồng tiền của kẻ sĩ
Mộng thiên đường
Xe bánh sắt và xe lọng vàng
“Đây mới đúng là…”
Phần này nói về những thói quen của người Hà Nội, ví dụ thú chơi cây cảnh, lối đi xe kéo, Hà Nội ngày Tết. Suy ngẫm của tác giả về Hà Nội qua các thời kỳ được tác giả khéo léo bày tỏ qua những biến chuyển trong thú vui, cách người Hà Nội tận hưởng những dịp đặc biệt. Bài viết về Tết Hà Nội, theo tôi là đậm dấu ấn nhất.
“Bây giờ, cứ mỗi khi Tết đến, khi Hà Nội vắng đi trông thấy, người ta hay nói “Đây mới đúng là Hà Nội”. Bỏ qua các phạm trù người hàng phố/người ngoại tỉnh gây tranh cãi, thì cái mong ước biểu đạt là tìm lại một vẻ đẹp của sự bình yên, thư thái và chậm rãi, một không khí dường như cũng từng là một thương hiệu của Hà Nội”.
Phần 4: Đường nhựa và gạch ngói
Những mảnh địa đàng
Lời chào còn lại của phố
Bức tranh muốn vẽ
Quầng sáng hò hẹn của phố
Cổng chào, sương mù
Các cụ Hà Nội bảo thế là được
Phần cuối, nghe cái tên là ta đã hình dung ra được sự giao thoa trong kiến trúc Hà Nội, là bức vẽ thủ đô thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói rêu phong giữa những con đường đang bê tông hóa. Có cảm giác, đến chương cuối này, tác giả như chậm lại khi đi hết những con phố Hà Nội, dùng nét cọ lưu lại những gì được gọi là hồn cốt của thủ đô trước thời kỳ hiện đại hóa.
“Có một ước vọng ẩn đằng sau những bức vẽ về Hà Nội – đa phần là vẽ những cảnh đẹp, hoặc có phẩm chất đẹp theo những tiêu chí mĩ học chung – là tạo ra một Hà Nội thứ hai có chất thơ trong thế giới tinh thần. Điều này cho thấy tâm thế chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn vẫn ngự trị cách nhận diện Hà Nội”.
Nhận xét về cuốn Hà Nội Bảo Thế Là Thường
Sẽ là khập khiễng nếu đem so sánh giữa những tác phẩm cũ – mới. Nếu như Hà Nội trong những trang viết cũ nhẹ nhàng và êm đềm như làn gió mùa thu thì thủ đô trong tập tản văn Hà Nội Bảo Thế Là Thường mới mẻ này giống như một bản nhạc đủ những nốt thăng trầm.

Hà Nội của Nguyễn Trương Quý đa sắc màu, giàu thanh âm, là sự pha trộn mới mẻ giữa cổ kính và hiện đại. Tác giả dùng từ cũng sáng tạo theo cách rất Hà Nội. Vẫn là Hà Nội đó, nhưng ta đang nhìn dưới lăng kính của một người trẻ, của thời đại mới, nên phát hiện ra những điều thú vị riêng biệt của thủ đô quen thuộc đã ngàn năm.
Nguyễn Trương Quý thật sự có hiểu biết sâu rộng trong rất nhiều lĩnh vực. Với mỗi câu chuyện, anh có thể soi chiếu dưới góc nhìn văn học, lịch sử, kiến trúc và cả âm nhạc. Đọc sách, chốc chốc ta lại thấy tác giả minh họa bằng một câu hát, một bài thơ hay những tư liệu lịch sử quý giá về Hà Nội.
Lời kết
Yêu Hà Nội, muốn hiểu hơn về phong tục tập quán, con người và cảnh vật nơi đây thì đừng bỏ qua cuốn sách Hà Nội Bảo Thế Là Thường. Dù hiện đại nhưng vẫn mang hồn cốt riêng, đó chính là Hà Nội mà chúng ta vẫn luôn trân trọng, yêu quý.